Google AdSense

Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoa Xuyến Chi. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Hoa Xuyến Chi. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Tư, 12 tháng 6, 2019

CHỊ DUNG





Tiếng  của Thư hét:
- Bà Dung! Má có năm chỉ vàng đeo trên ngón tay, để dành thủ thân khi tuổi già, tại sao bà gỡ năm chỉ vàng của má, bà làm gì với năm chỉ vàng đó?
- Tao mượn của Má để mở tiệc tân gia, tiếng của chị Dung phân trần.
- Bà sang quá hén! Sĩ diện quá hén, có cần ăn tân gia không? Trong khi đó má đau bệnh liên miên, tui  cho má để phòng thân, bà muốn ăn tân gia chỉ mua đồ đơn giản cúng kiến, đâu cần phô trương cho thiên hạ thấy. Nợ nần bà vay mượn khắp đầu xóm đến cuối xóm bà có trả đâu! Thậm chí bà dụ dỗ con Hà Như lấy bằng khoáng ruộng đất vay cho bà trăm triệu, mấy chục năm cậu Năm đòi đến nỗi bán bớt ruộng của cậu để chuộc bằng khoáng về bà nghe chưa? Ông đòi cạo đầu con Như kìa đến nỗi nhỏ sợ bỏ lên thành phố sống. Tui thấy bà mượn nuôi trâu bò gì đó càng đổ nợ hơn, thằng Phương con Phượng tụi nó có gia đình lâu lâu về ve vuốt má xin tiền. Bà thấy sao, mẹ con  bà ác quá! Có ngày quả báo nghen bà. Nói xong Thư rồ ga tranh thủ đi làm việc sắp sửa vào ca hai
- Đồ con đĩ chó! Tiếng chị Dung chửi đổng, mặc kệ, Thư không thèm ngoái lại, biết rõ tính cách của bà chị.
Cũng tại cô Ba cưng chiều chị quá. Ngày xưa chị cũng có người yêu, người yêu chị bỏ chị về quê lập gia đình, bỏ chị lại với bào thai hơn hai tháng, cô dượng kêu chị phá bỏ thai để lấy chồng, chồng chị làm bên hợp tác xã, gia thế, cơ ngơi nghề nghiệp ổn định, còn cô dượng Ba có ruộng cò bay thẳng cánh, người coi trâu, người giúp việc có. Ngày xưa lúc cậu Năm chưa lấy mợ Năm, dượng Ba làm chủ nhà máy xay lúa gạo, cô dượng là người tính toán, thậm chí chị em ruột trong nhà mua chịu thịt heo cũng không bán, chỉ đổi lúa( bán thịt đổi lúa ). Đến khi dượng Ba tai biến đột ngột qua đời, để lại khoản nợ, từ đó ruộng đất mất tất cả, từ người có đất đai thành người đi ở đậu trên đất của cậu Sáu. Cũng từ đó chị Dung tác oai tác quái, đến chị Thương cũng từ đứa em gái ngang ngạnh về Sài Gòn, lâu lâu cho cô Ba tiền để dành xài. Hễ có tiền là chị Dung lên cô Ba  nói rằng mượn  tiền để trả nợ nhưng thực ra chị đem tiền về xài hằng tháng, riết Thư cũng ngán ngẩm bà chị.
 Chồng chị mất để lại mảnh đất do chính quyền cấp cho hộ nghèo,xây nhà trên đất đó, hai đứa con chị đứa nào cũng dở dở ương ương, thằng Phương li hôn vợ, con Phượng giận chồng đem hai đứa về bên chị để chị trông coi ba nhóc tì cho hai đứa đi làm, mà con Phượng muốn làm bà của sếp nó, không chịu làm công nhân chỉ chịu việc nhàn nhã, Thư cũng sợ đứa cháu gái này, vì quen ông chủ muốn giới thiệu Phượng vào làm công ty chung, bị chủ mắng vốn rằng Phượng muốn làm tiểu thư đuổi việc không cho làm nữa. Mất việc, trở về nhà khóc , Thư không thèm quan tâm nữa, nhà ai nấy ở.
 Chẳng bao lâu, cái nốt ruồi tự nhiên mọc trên khuôn mặt chị Dung ngày càng to hơn. Đi khám bác sĩ nói là chị Dung bị ung thư máu, bác sĩ khuyên nhập viện điều trị theo bản phác đồ của bệnh viện K. Hai đứa con chị tị nạnh nhau nuôi chị, người thăm bệnh cho tiền mua sữa uống bồi bổ sức khỏe, tụi nó không cho chị biết , hai đứa chia tiền nhau để mua vàng đeo, một đứa mua điện thoại, con Phượng mua nhẫn, rồi hai đứa nghe lời ai dẫn chị đi phá nốt ruồi nên xảy ra khối u di căn vào não.Chị hôn mê sâu, nằm bất động, bác sĩ trả về, không thể chữa trị vào giai đoạn cuối.
Đất đai bị ngân hàng lấy, vì trước đó, chị có vay ngân hàng để chữa trị, quá thời hạn, tiền phát sinh lãi không thể trả nổi nên mấy chục mét đất vào tay ngân hàng do giao kèo, thế chấp.
Có người ác miệng nói là Quả báo,tự tạo nghiệp chướng, Thư nghe vậy cũng xót cho chị, dẫu sao cũng sinh ra cùng cha, cùng mẹ, bỏ sao được, hằng ngày Thư  đi chùa khấn vái mong chị Dung hết bệnh, cho chị ăn đầy đủ, giặt ga nệm, để chị ấm,Thư dặn dò hai đứa cháu ruột rằng: Mẹ tụi bây bệnh, khó sống , tụi bây cố gắng trông coi, có gì điện thoại cho tao hay.
Hai tuần trôi, chị Dung trút hơi thở cuối cùng, chị ra đi trong vòng tay của Thư, tiếng cô Ba gào khóc, tiếng của Thư gọi chị, , chị  đã theo anh .

29-12-2018
Xuyến Chi

Hình ảnh mạng

Thứ Bảy, 1 tháng 6, 2019

MÙA CÀ CUỐNG



        Tôi may mắn sinh ra trong một gia đình có gốc bần nông, được hưởng trọn vẹn cả thế giới tuổi thơ, được cắp sách đến trường để tiếp thu những kiến thức khoa học, thế giới thiên nhiên cây cỏ, động vật, ẩm thực. Những ngày hè ba mẹ không cho đi học thêm,chính vì thế tôi có nhiều kí ức đẹp, ngắm cánh diều giấy bay,mò cua bắt ốc, hái trái cây rừng, ngắm những hoa dại nên có nhiều bài viết về ẩm thực, về hoa cỏ quanh ta.
       Mùa hè là mùa nóng nực, có mưa tất nhiên có cây cỏ sinh sôi nên những con côn trùng thích ẩn vào bụi cỏ như: dế, cà cuống... Nhất là tháng tư âm lịch là bắt đầu cà cuống phóng bay vào nhà khi mưa vừa trút xuống, nó nhạy cảm với ánh đèn  Cà cuống rất háu ăn, chúng tấn công và hút máu của nhiều động vật thủy sinh như: tôm, tép, trai, nòng nọc, nhái, cá con v.v.

 Có mùi vị nào  thơm như  cà cuống không? Những con cà cuống đực đã dụ những khứu giác con người mê món cà cuống. Cà cuống rất đắt, ba con cà cuống giá bằng một ngày tiền đi chợ mua rau, thịt, vài thứ lặt vặt đối với lao động nghèo. Cà cuống có thể rang muối ớt với tép mỡ, có thể nướng xé nhỏ kèm rau thơm ăn.... Chỉ cần một con để kho chung với cá khử mùi tanh của cá tạo thêm hương vị đậm đà.
    Tôi không biết ở miền Bắc có cà cuống không? Nhưng ở trong Nam như quê tôi đến tháng tư âm lịch cà cuống bắt đầu có bày bán, và hiếm lắm ( chắc là do ảnh hưởng của thuốc diệt cỏ nên cà cuống ít hẳn hơn ngày xưa). Và tôi không biết ở thành thị có chổ bán cà cuống không? Nhưng lũ trẻ ở miền quê trông chờ mưa vừa tạnh,chờ nó bay vào nhà nơi có ánh đèn,lấy tay bắt bỏ vào hộp.

31/05/2019
Hoa Xuyến Chi ( Hồng Tâm)
Hình ảnh mạng

Thứ Sáu, 17 tháng 5, 2019

RAU ĐẮNG ĐẤT



Có thể nói trong hành trình của loài người ai ai cũng có những kỷ niệm đẹp, những kỷ niệm đó đã khắc sâu vào tâm khảm. Vui có, buồn cũng có, đầy nụ cười pha lẫn nước mắt. Hai mươi lăm năm, một kí ức rau đắng đất.
 Ngày ấy, cả huyện đều đăng kí trồng thuốc lá vàng, ba tôi được trạm nông nghiệp đồng ý hợp đồng xây lò sấy thuốc lá và vườn  ươm cây giống gần đất tông chi, khu ươm cây giống là rẫy của dượng Ba tôi. Ngày chủ nhật là ngày nghỉ cuối tuần của bốn chị em tôi, cả gia đình ra vườn ươm nhổ cỏ để cây con mau phát triển, bón phân, tưới thuốc. Trong những đám cỏ xanh mướt có nhiều cây rau đắng đất mọc, mẹ  gọi tôi lấy rổ đựng rau đắng đất để chiều về nhà luộc chấm mắm nêm ăn. Thời đó, còn khổ, việc may vá của mẹ nghỉ tạm thời để mẹ cùng ba làm thuốc, hết mùa thuốc may tiếp.Mẹ nói rau đắng đất  rửa sạch bỏ vào tô cháo cá  nóng ăn ngon lắm, ngon hơn rau đắng mình nấu canh,mùa đông là mùa rau mọc nhiều, có hơi ẩm, phân bón cây mau lớn, nhổ không hết đành bỏ bớt.
Chiều nay, tìm loài cỏ rau đắng đất, kỉ niệm ùa về.


17/05/2019
Hoa Xuyến Chi ( Lý Hồng Tâm)
Ảnh của Tâm

Thứ Bảy, 9 tháng 3, 2019

MÙA SẦU ĐÂU TRỔ BÔNG



     Đã từ lâu, chị em tôi không ăn món gỏi sầu đâu do chính bàn tay mẹ làm. Khi cơn gió mùa đông thổi cũng là mùa sầu đâu trổ bông, nhìn những chồi lá xanh mướt, nụ hoa xanh li ti, cánh hoa trắng rụng đầy góc sân làm tôi nhớ mẹ nhiều hơn.
      Sầu đâu là món ăn ngon, đặc sản của người miền Nam, nhưng có nhiều nhất là ở An Giang, Kiên Giang, Hà Tiên . Tuy đắng mà ngon, ai ăn được sẽ ghiền luôn đấy!
     Nhớ bàn tay mẹ đun nước sôi trụn sơ sầu đâu cho bớt chất đắng, rồi mẹ lấy tay vuốt nụ, lá, bông bỏ vào thau nhựa, thịt ba chỉ mẹ luột chín thái mỏng, cá tràu nướng mẹ lọc xương xé ra, me chín mẹ lột vỏ bỏ tất cả vào thau sầu đâu trộn đều, nước mắm mẹ làm sẵn có vị chua ngọt mẹ cho vài muỗng vào thau nêm lại cho vừa ăn.
   Nhớ lắm, hũ củ kiệu, cà rốt mẹ đều cho vào thau sầu đâu, nửa ràng bánh tráng gạo mẹ bày trên bàn ăn.
    Ký ức tuổi thơ lại hiện về, ba tôi nhâm nhi rượu đế cùng gỏi sầu đâu chính tay mẹ làm đãi khách, tiếng nói cười giòn tan, bạn của ba hỏi cách làm món gỏi này.
   Hơn hai mươi năm, hai mươi mùa hoa nở đều nhưng vắng bóng hình mẹ tôi, căn nhà giờ càng trống trải tiếng nói cười của ba, của mẹ, vì hoàn cảnh, cuộc sống vô thường đã lấy đi người mà tôi yêu quí nhưng ký ức xưa đọng lại thành một kỷ niệm khó phai trong lòng.
  Một chút nhớ, mùa hoa sầu đâu nở, mẹ ơi! con tìm về .

 18-01- 2018

 Xuyến Chi

Ảnh mạng

Thứ Hai, 25 tháng 12, 2017

THƯƠNG




   
 Thương lấy tay sờ lên khuôn mặt đầy vết sẹo chằng chịt, đôi mắt đẹp ngày nào bị axit tàn phá, giờ chỉ còn một con mắt bên phải để thấy ánh sáng. Nó sợ khuôn mặt xấu xí của mình, đôi lúc gào lên bất lực.
    Thương là nạn nhân của vụ tạt axit cách đây mười năm về trước. Lúc đó Thương tròn ba tuổi, chỉ vì cơn ghen cuồng của vợ ông A nên hai mẹ con Thương lãnh trọn một ca axit, mẹ của nó nặng hơn, cơ thể đầy vết bỏng, đôi mắt mù lòa, mười ngón tay da dính vào nhau nên không thể cầm nắm, ăn uống khó khăn. Còn vợ ông A chỉ tuyên án mười năm tù, tiền bồi thường không đủ trả viện phí nên mọi thứ càng tồi tệ hơn thấy da mẹ của nó nhiễm trùng nặng, ba tuổi nhờ người nhà nuôi bệnh nên giúp sức mẹ nó, nên nó may mắn thoát lưỡi hái tử thần. Không còn giận mẹ, Thương giờ là cô thiếu nữ tròn mười ba, cái tuổi mà người ta thường ví là " ăn chưa no, lo chưa tới ..." nhưng đối với Thương nó già dặn hơn với bạn đồng trang lứa.
      Căn nhà chật chội chỉ kê đủ một cái giường và cái bàn để những vật dụng cá nhân, mẹ của Thương lâu lâu uốn éo thân thể vì thời tiết nóng và nhiệt độ lạnh nên da ngứa ngáy gãi rướm máu, nó thấy vậy lật đật leo lên giường lấy tay xoa chỗ đau, an ủi mẹ của nó.
    Người hàng xóm thương tình lâu lâu cho tiền và gạo để nấu cơm, chứ không thể giúp hết vì nơi Thương sống là xóm của người nghèo, lao động chỉ đủ ăn, có khi chưa đủ tiền trả nợ, nên họ chỉ giúp  đỡ phần nào.

    Mặc kệ trời rét căm căm, nó cố bới đống rác để tìm những lon bia, nước ngọt và những chai nhựa bỏ vào bao để ngày mai cân bán cho vựa ve chai, đổi lấy những đồng tiền lẻ mua gạo nấu cháo cho mẹ ăn,đôi lúc nó cũng nhận ra những ánh mắt nhìn nó như người ngoài hành tinh.
 Trời nhá nhem tối, đôi bàn chân đi ra phố,  cơn gió lạnh thổi vào thân thể nghe buốt, nó nghe tiếng nhạc xập xình, những ánh đèn lung linh, thấy mọi người dìu dắt đi xem lễ, nó biết Noel lại về.
   Dù nó mù chữ, dù nó nghèo  không theo đạo nhưng mỗi khi Noel đến nó tự đến nhà thờ chấp tay cầu nguyện cho hai mẹ con bình an, Thương không quên đem đồng tiền lẻ bỏ vào thùng quyên góp để cứu trợ cho những kẻ nghèo khổ. Nó nghêu ngao hát, bắt chước bạn bè hát về Noel, nó tin có phép mầu đến với nó.

       24-12-2017
  Xuyến Chi

Hình của Chi

Thứ Ba, 26 tháng 9, 2017

MÙA CÁ CON

               


         Mùa mưa đến, không chỉ cây lúa trổ đòng, vạn vật tái sinh mà còn là mùa cá đồng sinh sôi nảy nở. Lòng ròng được cá mẹ sinh khi trời bắt đầu sa xuống những hạt mưa.
       Ở đâu cũng có cá, cứ giữa tháng sáu đến tháng chín âm lịch  khi cơn mưa đêm vừa dứt, nghe tiếng ếch kêu ộp oạp là mọi người chuẩn bị đèn soi cá, ếch và không quên đem theo lưới để bắt cá con . Cá con gồm cá lòng tong, cá sặc con, lưỡi tre, bã trầu...
     Năm giờ sáng, khi nghe tiếng leng keng, máy cày, máy xới í ới gọi nhau ra đồng cũng là lúc họ đem thau, chậu , các loại cá đem ra chợ bán để đổi lấy những đồng tiền nuôi sống qua ngày .
       Cá con là đặc sản ngon của vùng quê là món ăn dân dã , có thể um nghệ cuốn bánh tráng kèm rau thơm húng quế, diếp cá dưa leo. Cá chắt ruột thật sạch, bỏ rong và những hạt lúa lép, đất cát, rửa cá thấy nước trong thau trong veo là được, để ráo. Cá um với mỡ phi ngon hơn dầu vì mùi mỡ đánh bay mùi tanh của cá, ra vườn hái lá dang hoặc lá bứa rừng bỏ vào nồi um lửa liu riu, nước mắm chua cay, cánh mày râu thì không thể thiếu ly rượu đế khi có bạn đến ghé thăm nhà.
   Hay làm một hũ mắm chua, rang thính để độ hai mươi ngày ăn kèm rau thơm, rau ở ngoài sông hái về,muốn ngon hơn mua đậu rồng, thịt ba chỉ, thịt nách về luộc cuốn bánh tráng , mắm chua giã củ riềng, chút ớt, gừng, khế, ngon nhất. 
  Cá con có thể kho với tép kèm lá dang, bứa rừng ăn với cơm nóng, ngon gì bằng gia đình quây quần bên mâm cơm vào ngày nghỉ cuối tuần để bồi bổ cho những ngày chính làm việc cật lực ăn uống thất thường qua loa.

                  24-09-2017

Hoa Xuyến Chi

* hình ảnh truy cập trên mạng

Chủ Nhật, 20 tháng 8, 2017

MẸ CỦA CON









Có người nói : kì quan lớn nhất là trái tim người mẹ, lòng yêu thương con vô bờ bến. Có hàng trăm bài hát, hàng ngàn bài thơ, những lời văn dành cho người mẹ. Con cũng vậy, con chẳng nhớ con sáng tác bao nhiêu bài viết về mẹ.Trong tim con chẳng bao giờ phai một hình bóng người mang nặng đẻ đau bốn đứa con.Gần hai mươi năm, nỗi niềm đau đáu khôn nguôi, ám ảnh, cái nắm tay lần cuối trước khi mẹ nhắm mắt.
Tuổi thơ của chúng con là tháng ngày mẹ nâng niu ủ ấm, là những ngày hè mẹ làm cho chúng con đồ chơi gấp máy bay, tàu giấy.
Đồ chúng con mặc, là chính bàn tay mẹ may, những đường chỉ khít, chắc .
Con nhớ một ngày, khi nghe tin cô Vàng chọn con đi thi vở sạch chữ đẹp, con nhìn trong đôi mắt mẹ lo lắng, đăm chiêu. Mẹ dành dụm tiền mua chục cuốn vở tập con rèn từng nét chữ. Chỉnh chính tả cho con, dặn danh từ riêng phải viết hoa, học từ ngữ pháp phải biết đâu là chủ ngữ, vị ngữ, đại từ, tính từ.
Rồi lên lớp năm, nhà trường tuyển chọn con đi thi văn vòng huyện, những bài văn con chưa học lần nào, chính bàn tay non nớt viết thư cho cô giáo kính yêu, mẹ xem giấy nháp hỏi :
_ Ơ ! con viết thư cho cô sao không kí tên con mà viết tên người khác, đáng lý ra con kí tên con cuối lá thư chứ !
Vậy đó, thắm thoát gần mười năm, mẹ kêu con lại mẹ chỉ cắt may, đo đồ chia ra, con gãi đầu, vì con không thích may cho lắm! Mẹ buồn.
Dần dần, con cũng may được cái quần,biết đo ni cắt.
Nhà trường tổ chức học nghề, con chọn thêu thùa, đan len, mẹ vui , mẹ cho tiền con mua khung căng, chỉ thêu , vải cate trắng .
Hơn mười chín năm, chiếc máy may vẫn còn, em con nối nghề mẹ, vẫn chạy tốt, khi con đọc dòng tâm sự của em, lòng nghẹn, con biết em rất nhớ mẹ :
" Tôi lớn lên trong một gia đình có truyền thống trong ngành giáo và ngành may.Ngoại tôi làm công việc buôn bán quần áo và may mặc từ xưa
Ngành giáo và may mặc là hai ngành luôn luôn đi cùng trong cuộc sống gia đình tôi. Người mà ảnh hưởng nhất đến những quyết định trong sự nghiệp của anh, chị, em tôi chính là mẹ.Mẹ là nguồn cảm hứng và động lực thúc đẩy của tôi. Mẹ là một giáo viên tiểu học và cũng có kinh nghiệm trong may mặc ( kể cả hội họa ). Từ lúc tôi 5 tuổi tôi đã nhận thức được rằng thế giới xung quanh luôn đầy vải vóc và tiếng bàn đạp của chiếc máy may của mẹ. Nhưng cũng vì thế mà tôi hiểu được mẹ tôi đã phải làm việc cật lực đến chừng nào. Đến khi tôi chưa đủ 10 tuổi thì mẹ tôi đã qua đời, ba tôi phải đảm nhiệm luôn vai trò của người mẹ trong gia đình. Từ đó tôi mới hiểu được mất đi một người mà mình gọi là " mẹ " là như thế nào ? Dù đã từng không muốn và không thích tôi như bị lực hút vô hình cuốn mình vào hành trình đó và tất cả đã bắt đầu từ như thế ."
Hay :
" Dự định là sẽ mua cái mới tốt hơn nhưng suy nghĩ lại nó vẫn còn sử dụng được, mặc dù đã qua thời nhưng nó là thứ tài sản vô giá mà mẹ để lại.
Muốn quay lại với nó ngay bây giờ trong những lúc rảnh, lâu lắm rồi không được may những trang phục mà mọi người yêu cầu mình cũng hơi "ghiền ghiền ". Dù công việc có bận rộn thì mình sẽ để lại một tí tí thời gian để may những model mà mọi người thích.Mọi người ủng hộ nha"
Con đau và nghe đâu đây văng vẳng lời ca:
" Trên trời cao có muôn vàn ánh sao
Trên đồng xanh có muôn ngàn bông lúa
Con chim rừng có muôn vàn tiếng ca...

Riêng mặt trời chỉ có một mà thôi !
Và mẹ em chỉ có một trên đời"

HỒNG TÂM

( viết cho mùa vu lan)


Bài đăng nổi bật

Bông ô môi soạn giả Viễn Châu trình bày Hồng Tâm - dây kép