Google AdSense

Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp bút của Hoa Xuyến Chi - Hồng Tâm. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Tạp bút của Hoa Xuyến Chi - Hồng Tâm. Hiển thị tất cả bài đăng

Thứ Sáu, 26 tháng 4, 2019

CÂY CHÙM RỤM


    Tôi không biết cây có tự lúc nào? Dù tôi biết nó có xuất xứ từ một nước láng giềng. Lên năm tuổi, tôi đã thấy nó, chưa  biết tên cây mà tôi chỉ thấy ông ngoại mỗi tuần cắt tỉa hàng rào từ cây chùm rụm.
   Lên tám, lên chín tôi mới biết tên cây. Ba tháng nghỉ hè, chị em chú bác bày trò chơi bán quán, bắn bi hái trái chùm rụm còn sống để làm viên đạn, trái chùm rụm chín tụi tôi bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi nhả hạt. Nhưng nhớ nhất là buổi trưa tụi tôi trốn ba mẹ ra gò mả xin cô Ba  chặt cây trúc về làm ống thụt ( lúc đó nhà cô Ba ở Xóm Lò chưa về Hoà Thành ở), cây trúc còn xanh, cưa một khúc dài khoảng 30cm và một ống cụt khoảng 15cm, lén ra sau nhà bếp, cả gan lấy cây đũa nhét vào ống trúc dài 15cm,ra  hàng rào chùm rụm hái một nắm trái sống, một nắm lá,ông anh cô cậu của tôi hướng dẫn thụt ống làm sao cho kêu " bụp... bụp" là nhét trái sống, nhét thêm hai hoặc ba lá chùm rụm vào ống trúc dài 30cm, lấy đũa thọc vào, thụt mạnh, thế là " bụp, bụp" thật to.
   Chúng tôi chơi chán, bày trò lấy lá chùm rụm còn xanh làm bộ râu, dán lên chân mày( vì lá có lông), lấy cuống lá nhỏ xíu gắn vào mép, cằm, chân mày, đứa con nít hai tuổi nhìn khóc thét xanh mặt vì nó tưởng " ông  kẹ".
   Cây chùm rụm có thể tỉa làm bonsai, chim thú nếu chúng ta khéo tay và có trí óc tưởng tượng, có hồn mới tạo ra những tác phẩm nghệ thuật từ cây chùm rụm. Những trái chín khô, tự rụng, thời gian sau sẽ mọc lên cây con và cứ thế đua chen nhau lớn, không cần tưới cây, bón phân, có lẽ nó chịu sống nơi đất khô cằn và sống hoang dã bao đời, gốc cỗi nhưng lá vẫnxanh mướt, những bông hoa li ti dễ thương.

   Tuổi thơ ngày xưa không điện thoại, không phải nhà  nhà ai cũng có cái tivi, thời bao cấp khó khăn, có khoai sắn trộn cơm nhưng tiếng nói cười luôn đầy ắp. Những ki niệm đẹp còn đọng mãi trong tim và anh chị em chúng tôi mỗi người đã có mái ấm gia đình, có cháu nội, ngoại nhưng không thể quên ngày tháng dưới nắng hè như đổ lửa, kệ làn da đen sạm, trò chơi dân gian chưa chắc thế hệ sau biết đến.


26/04/2019
Hoa Xuyến Chi ( Lý Hồng Tâm)

Hình ảnh truy cập internet

Thứ Tư, 24 tháng 4, 2019

CÂY CÀ RI





Tuổi thơ tôi gắn bó với những loài cây ăn trái, rau dại và những món ăn quen thuộc trong cuộc sống hằng ngày. Những hình ảnh thân thương ấy ghi vào tâm khảm của một đứa trẻ chỉ lên năm lên mười. Tôi chẳng biết cây cà ri có tự bao giờ mà mỗi lần nhà tôi có đám giỗ, hàng xóm chạy qua xin vài nhánh lá cà ri về nấu món cà ri gà thơm ngon.
Cây cà ri sống lâu năm thân nhỏ màu  nâu, lá cà ri giống lá xoan, lá sầu đâu, là loại lá kép,hoa màu trắng li ti , trái cà ri chín màu tím, chín mùi chuyển sang đen, có mùi thơm giống như vỏ quýt, làm gia vị tăng độ thơm của món cà ri. Nó sống tốt quanh năm dù mưa hay nắng, bạn có thể  soi vài con ếch, ra chợ mua thịt gà kho với sả ớt kèm lá cà ri băm nhuyễn ngon gì bằng, nếu bạn chịu khó làm quen với mùi lá cà ri.
Dù nó có xuất xứ từ một nước xa xôi nhưng tôi biết nó rất quen thuộc và được mọi người biết đến và cũng có đa số người chưa thấy loại cây cà ri. Nhưng đối với gia đình tôi và hàng xóm bao đời đã thấy nó lớn lên mọc khắp nơi nhiều đến nỗi nhà tôi dọn bớt cây con cho sạch  sân vườn để cây lớn có cơ hội phát triển tốt. Bạn có thể ươm hạt chín vào lòng đất, không cần phơi hạt cho khô, một thời gian mọc lên, có thể từ bộ rễ của cây mẹ sinh ra cây con. Và bạn ngại không có đất trồng ư? Chỉ cần bạn mua lá về phơi khô bỏ vào hộp để dành khi nào có dịp bạn bè ở xa bạn sẽ nấu đãi mọi người thưởng thức hương vị của lá cà ri.
Việt Nam ta cũng rất nhiều gia vị nhưng đối với món cà ri gà hay thịt ếch, thịt gà kho sả ớt thì không thể thiếu được. Nó sẽ làm tăng độ thơm, bạn tin tôi đi.

19/04/2019

Hoa Xuyến  Chi ( Lý Hồng Tâm)

Ảnh của Tâm chụp tại nhà

Thứ Bảy, 20 tháng 4, 2019

CÂY MÀU ĐIỀU



       Có một loài cây lá giống lá trầu gân màu nâu, xanh đậm thơm như lá trầu, lúc ra hoa màu hồng tựa tựa như hoa sim, hoa lan, khi ra trái hình tim xù xì như  trái chôm chôm, trái còn sống màu xanh lục, chín màu đỏ, thân bụi Chắc hẳn ai cũng biết đó là loại cây trồng làm màu thực phẩm, làm xôi, tạo màu cho cà ri đẹp mắt, thuốc nhuộm vv...
        Và cũng có một số nơi quen gọi là cây màu điều, cây vành vành, cây cà ri, nhưng thường gọi nhất là cây màu điều.

   Trước đây nhà tôi có trồng cây màu điều, ngang vách nhà tôi kế vườn cau của nội trồng. Thuở nhỏ, chị em tôi hay rủ lấy cây hái trái  đỏ  tươi lấy hạt, lấy tay chấm vào  thoa lên môi làm son,phá đến nỗi mẹ tôi cầm chổi đánh vào mông. Tuổi thơ mà, vô tư lắm đâu có nghĩ rằng mẹ tôi trông trái chín, rồi đợi nó khô, nứt khe rồi hái trái xuống mở vỏ lấy hạt phơi thêm hai ba nắng để vào bịch nilon ra chợ bỏ mối cho mấy cô bán tiệm tạp hóa. Và mỗi lần nhà có đám tiệc mẹ tôi để dành ít hạt để nấu vài món ăn cúng ông bà,
  Bạn muốn nấu cà ri, lagu ư? Chỉ cần bắc chảo chế chút xíu dầu ăn đợi chờ dầu sôi bạn bỏ vài hạt màu điều , đừng để khét, nếu để khét có mùi hăng hắc khó chịu, vừa thôi, tắt bếp, lấy rây lọc hạt bỏ, để nước màu lại, ướp thịt  cho thấm.
  Thời gian trôi, cũng vì miếng cơm manh áo nên ba tôi dọn dẹp, chặt bớt cây để làm lò sấy thuốc lá vàng thì cây màu điều không còn nữa, cả một thời thơ ấu của chúng tôi có cây màu điều, cây cà ri ghi vào kí ức, cũng tiếc lắm chứ.

20/04/2019
Hoa Xuyến Chi
Hình ảnh mạng

Thứ Năm, 11 tháng 4, 2019

NHÃN RỪNG


    Có người hỏi tôi: Cái  gì mà bạn luôn luôn nhớ hoài,kỉ niệm khó phai. Tôi trả lời đó chính là tuổi thơ, trái tim cất giữ những kỉ niệm đẹp dù vui hay buồn.

    Cuộc sống tất bật bon chen, dòng đời nghiệt ngã đôi lúc nhìn thấy những hình ảnh lúc đó kỉ niệm ùa về. Tìm đâu ngày ấy, chỉ còn lời nói, một kí ức cây nhãn rừng.

    Cây nhãn rừng có một số nơi gọi là cây trường, gọi là cây nhãn rừng nhưng nó giống cây vải nhiều, vỏ màu đỏ, dân quê tôi gọi trái trường.Muốn ăn trái trường thì phải ra rừng hái hoặc ra chợ mua. Tôi biết  trái trường là vì ba tôi ra rẫy , người quen cho ba hai chùm, ba đem cho chị em họ vài trái ăn cho biết mùi vị của trái trường.Ba dặn đừng cắn vỏ của nó vì vỏ của nó đắng, phải lấy tay tách ra, trái vừa chín tới có vị chua chua, trái mùi có vị ngọt thanh, trái sống ăn vô chảy nước mắt. Nhiều người hái về ăn không hết, họ lấy dây lạt buột lại từng bó đem ra chợ bán, lúc bấy giờ là bó trường giá 500 đồng, lũ trẻ, học trò rất nghiện trái trường.

     Bây giờ, cuộc sống hiện đại, đủ loại trái cây ngoại nhập về,lớp trẻ ngày nay đâu biết mùi của trái trường- cây nhãn rừng, chỉ có những người già, thế hệ 8X luôn nhớ hoài nơi phía rừng có những cây mọc hoang không cần ai chăm sóc nhưng nó vẫn trổ bông ra trái đúng mùa, trong đó có cây trường- nhãn rừng.

27-07-2018
Hoa Xuyến Chi

 ảnh mạng

Chủ Nhật, 7 tháng 4, 2019

KÍ ỨC TUỔI THƠ (2)



   Mới đó mà gần bốn mươi năm. Mới ngày nào còn được cha mẹ bồng bế cõng đi chơi, sà vào lòng mẹ nghe tiếng ru ầu ơ, nghe bà kể chuyện và cảnh vật cũng thay đổi nhưng trong tim tôi không quên, mỗi phút, mỗi giây kỉ niệm ùa về.
   Tuổi thơ tôi từng gắn bó với con đường đầy đá sỏi, ngôi trường vách đất mái tôn, mái nhà tranh có vườn cau của nội,  những trò chơi dân gian bắc kim thang, thiên đàng địa ngục, bắn bi, trốn tìm.
   Tuổi thơ tôi gắn bó với bến tàu Long Thuận đến bến tàu Cẩm Giang, chiếc xe lam ba bánh, chiếc xe lôi máy chở chị em tôi về ngoại chơi và ngắm nhìn giàn hoa giấy, cây chùm rụm, cây hoa ngâu do  chính bàn tay ông ngoại tỉa cành bón phân cho cây kiểng tươi tốt. Bây giờ đường sá mở rộng hơn  để cho xe chạy thì bến tàu, xe lôi, xe lam chỉ nằm trong kí ức, quên  sao được thập niên 80, 90 những tờ hai chục  đồng, năm cắc, hai ngàn  đủ mua một ly đá bào siro dâu khi thời tiết nóng nực,  nếm tê lạnh lưỡi môi .
Nhớ chỉ là nhớ thôi! Thời gian không thể đưa ta trở về miền ấu thơ. Ngoài sân con nít đọc bài đồng dao:
Cái kim may áo
Cái giáo đi săn
Cái khăn bịt đầu
Cái cầu đi chợ
Có vợ đàn ông
Có chồng con gái
Có trái mù u
Ông cu đi câu
Để trâu ăn lúa
Bắt được thì chặt đầu đuôi
Còn hai con mắt đem nuôi mẹ già ...

06-04-2018
Xuyến Chi

( ảnh internet)

Thứ Tư, 3 tháng 4, 2019

KÝ ỨC TUỔI THƠ 3



Bạn hỏi tôi:
- Mày nghĩ gì vậy ?
    Tôi nói nhớ về tuổi thơ, nhớ từng chùm me keo chín đỏ, nhớ trái gùi, nhớ mo cau, nhớ nhiều lắm! Nếu cỗ máy thời gian có thật thì sẽ quay về vui biết mấy.
   Tuổi thơ tôi là những tháng ngày trốn mẹ đi chơi,ra cánh đồng hái bắp, đào củ khoai vùi trong than  nướng, mùi bắp, mùi khoai nướng chín thơm lan cả ngôi nhà.
 Cô dượng Tám tôi đi bán vé số tận Bàu Quách đem về cho lũ trẻ từng chùm me keo, vài trái me Thái, có bữa  mua  trái xí quách chín về dầm đá ăn, vị ngọt béo của trái me keo, ngọt thanh trái me Thái, ngọt bùi trái xí quách làm tôi nhớ tận bây giờ.
   Hoa dâm bụt, trái chùm rụm, hoa ti gôn là đồ chơi của chúng tôi mỗi khi hè về. Hoa dâm bụt lấy dao thái mỏng làm sợi bún bánh canh, trái chùm rụm để nhét vào ống trúc, đút chiếc đũa vào ống trút thụt nghe tiếng bụp thật lớn tụi tôi cười sảng khoái.Hoa ti gôn vấn tròn đội đầu giả làm cô dâu, ôi tuổi thơ ...
 Cái chảo đầy lọ, bọn tôi lén lấy hũ mỡ của mẹ để trộn vào lọ để chơi đánh bài đứa nào thua chót  bị quẹt,đứa tới nhất quẹt hai đường, tới nhì một đường lọ, nhìn nhau cười nắc nẻ, còn hơn hề sạc lô, rửa mặt không trôi lọ vì tụi tôi trộn mỡ vào đó, đến ngày hôm sau mới trôi hết lọ.
Bây giờ, ai cũng có mái ấm gia đình, bôn ba xuôi ngược  mưu sinh nên xóm tôi vắng vẻ hơn xưa. Mái nhà tranh hiếm thấy giờ chỉ thấy những ngôi nhà hai tầng, mái trệt nằm san sát nhau, những cây cau,duối , chùm rụm chỉ nằm trong kí ức mà thôi, một mình ngồi nhớ lại ngày xưa muốn quay về cho thoả lòng nhớ.

01-05-2018
Xuyến Chi
* Hình ảnh mạng: cây me keo

Thứ Hai, 1 tháng 4, 2019

BỎNG GẠO ( tạp bút)



     Từ lâu rồi,tôi ít thấy chiếc xe chở máy xay bỏng gạo, hình ảnh quen thuộc của vùng quê. Nhớ ngày xưa mặc cho trời nắng chang chang như lửa đốt bọn trẻ chúng tôi ra ngõ chờ chiếc xe kéo máy xay bỏng, một tay cầm túi nilon,tay cầm một kí gạo , 100gr đường và chờ người xay hết cho những ai đến trước, mùi bỏng thơm quá, đôi tay người cắt từng gậy bóng nhanh thoăn thoắt đưa vào bao trao tận tay người khách, tiếng cười nói,tiếng máy xay xua tan không gian tĩnh mịch của buổi trưa.
    Cũng chính hình ảnh và mùi bỏng làm tôi nhớ tận bây giờ vì ngày xưa nhà tôi nghèo, mẹ mới mất, chị em tôi không có tiền trang trải cuộc sống, hai đứa em gái còn nhỏ, nhà không có hạt gạo  nấu cơm, cô tôi thấy vậy cho hai nghìn đồng và ba lon gạo, hai lon để dành nấu cơm, một lon dành thổi bỏng để ăn cầm cự chống cơn đói.
    Những cây gậy bỏng gạo đủ màu sắc xanh đỏ vàng, người ta đếm đủ mười cây cho vào từng bịch nilon,  rồi lấy sợi dây thun cột lại đem bỏ mối cho tiệm tạp hóa hay đem vào căn tin bán cho học trò sinh viên.
   Ai ăn một lần rồi nhớ, vị ngọt của đường, giòn của gạo hoà nhau, ăn không ngán, dù thời gian trôi, mỗi khi đi ra quán ngắm nhìn những bịch bỏng gạo đủ  sắc màu, đủ mùi vị, kỉ niệm ùa về ngay cả trong giấc mơ.
24-072018
Hoa Xuyến Chi

Hình ảnh mạng

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2019

KÝ ỨC TUỔI THƠ


  Ai cũng có một thời để nhớ, những kí ức đọng lại thành những kỉ niệm khó quên. Những người bạn nhỏ thời ấu thơ  có nhớ những tháng ngày trên đất Gò Tháp?
   Từng chùm, từng nụ trắng xanh đu đưa trong ánh nắng chói chang giữa tháng tư oi  bức khi tiếng chim tu hú gọi bầy, những trái xanh, tím đen lủng lẳng trên cành như khiêu khích những đứa trẻ con trèo lên hái từng chùm, trao nhau tiếng cười trong trẻo khi ăn trái trâm chín đầu mùa.
  Ta còn nhớ có một đứa hay bị kiến vàng cắn, một tổ ong vò vẽ bay vo ve đang tìm thủ phạm phá tổ của nó. Thế là cả lũ trẻ vội lao xuống kênh để tránh bầy ong đốt .
  Hơn ba mươi năm, cây trâm ngay đất Gò Tháp không còn, đường mở rộng để cho xe chạy, những đứa trẻ ngày ấy trong đó có ta giờ  làm mẹ, làm cha,  bôn ba khắp nẻo đường mưu sinh để nuôi gia đình, bản thân . Giữa thời đại internet khi mở máy chỉ tra google tìm từ cây trâm thấy  những hình ảnh, những đoạn phim làm ta nhớ lại trên đất Gò Tháp có một cây trâm sai quả nặng trĩu cành .

16-03-2018
  Xuyến Chi
  Hình Internet

Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

KHI TA Ở TUỔI TRUNG NIÊN


       Hoa Xuyến Chi  là hiệu bút viết văn 


Con người sinh ra rồi mai cũng về với tổ tiên, ông bà. Âu đó cũng là qui luật của tạo hóa. Từ bào thai đúng chín tháng mười ngày lọt lòng mẹ, ba tháng biết nhìn nhận người quen, biết lật, sáu tháng bò trườn, chín tháng tuổi tập ngồi rồi biết đi lẫm chẫm, tròn 12 tháng tròn tuổi. Bảy tuổi bắt đầu tập đánh vần, viết tên ba mẹ, viết những từ, những vật quen thuộc gắn bó với cuộc sống con người. Rồi tới tuổi dậy thì ta biết mơ mộng, là tuổi " ăn chưa no, lo chưa tới" những suy nghĩ chưa chín chắn, còn nông nổi, tính bốc đồng. Rồi tới tuổi trưởng thành có những va chạm, vấp ngã, những công việc chưa xong, làm ăn thất bại, rồi yêu đương tính chuyện hôn nhân, rồi sinh con, lo cho con ăn học, vòng quay ta sắp già .
Bước vào tuổi trung niên, nhiều khi ta muốn quay về tuổi thơ, cái tuổi hồn nhiên mà đâu có được, tìm những tấm hình cũ xem những đứa bạn chân trần, cười lộ hàm răng sún, tay cầm chùm mây rừng, ta chợt thốt lên : ôi! dễ thương quá!
Rồi một mình nhớ lại những năm đầu bị vấp ngã, những cuộc tình đến rồi chia tay, những công việc mình chưa làm tròn, mình chưa giúp gì cho cha mẹ. Ta nói: giá mà ngày xưa...... thì hôm nay mình sẽ.....
Rồi xem những thước phim, những câu chuyện nói về nhân quả, vô thường ta đã hiểu thế nào là chấp ngã, chấp pháp, sân si, hỉ, nộ, ái, ố, ta không còn sợ chết nữa, mà chỉ điềm nhiên đón nhận luật vô thường
Có câu: " ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn" để cho ta biết đời, biết nhẫn nhịn, là sống phải có tâm !

05-08-2017
Hoa Xuyến Chi

Bài đăng nổi bật

Bông ô môi soạn giả Viễn Châu trình bày Hồng Tâm - dây kép